Tay chân miệng tăng gấp 6, có trẻ phải dùng tim phổi nhân tạo

Tay chân miệng tăng gấp 6, có trẻ phải dùng tim phổi nhân tạo

2 tháng nay, lượng bệnh nhi chuyển vào BV Nhi Trung ương điều trị tay chân miệng tăng gấp 5-6 lần so với cùng kỳ, trong đó có nhiều trường hợp nặng.

TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Nhi Trung ương cho biết, hiện đang là cao điểm bệnh tay chân miệng.

Hiện trung bình mỗi ngày trung tâm tiếp nhận 30-50 bệnh nhi, chủ yếu đến từ Hà Nội. Hầu hết các bệnh nhi nhập viện khi bệnh đã tiến triển giai đoạn 2a, 2b, thậm chí một số trường hợp đã sang giai đoạn 4, khi đó buộc phải lọc máu, mở nội khí quản thở máy. Một trường hợp đặc biệt nặng đang phải thở ECMO (tim phổi nhân tạo).

“Đây là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, lây từ người sang người chủ yếu qua đường tiêu hoá. Do đó, bệnh rất dễ gây thành dịch lớn. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt nhóm tuổi dưới 3”, TS Lâm nhấn mạnh.

Trẻ bị tay chân miệng tăng cao trong tháng 6 và nửa đầu tháng 7 năm 2020

Một trường hợp bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị tại BV Nhi Trung ương

Dù tay chân miệng là bệnh rất phổ biến nhưng rất nhiều gia đình chưa có kiến thức về bệnh này, dẫn tới chủ quan, đưa con nhập viện muộn.

Đăng chăm con trai tại viện, chị Nguyễn Thị Quyên, ở Thạch Thất, Hà Nội chia sẻ, trước khi vào viện 3 ngày, con có biểu hiện sốt nhưng không quá cao, cháu vẫn chơi và ăn bình thường. Gia đình nghĩ con ốm thông thường nên để ở nhà tự theo dõi.

Đến chiều chủ nhật vừa qua, trẻ đột nhiên sốt cao kèm run chân, tay. Sợ con bị biến chứng co giật do sốt cao nên chị Quyên vội đưa con vào bệnh viện cấp cứu. Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán bé đã mắc tay chân miệng giai đoạn 3.

Trường hợp khác là bé gái chưa đầy 1 tuổi ở Hiệp Hoà, Bắc Giang. Chị Lan, mẹ bé cho biết, ban đầu thấy con nổi nốt mụn ở chân, nhưng gia đình nghĩ con bị côn trùng đốt. Do không biết về bệnh, bé được chuyển đến viện khi đã ở giai đoạn 2b.

May mắn hơn 2 bệnh nhi nói trên, bé Bảo Nam, 8 tháng tuổi, Hà Nội được bố mẹ đưa đến viện khi mới ở giai đoạn 2a. Bố bé kể, trước đó 4 ngày, bé Nam bỗng nôn và đi ngoài nhiều lần, 2 hôm sau, chân và tay con nổi rất nhiều nốt phỏng. Nghi ngờ con mắc tay chân miệng nên đưa thẳng đến BV Nhi.

TS Lâm lưu ý, hiện tay chân miệng chưa có vắc xin ngừa bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh này diễn biến nhanh, không nhập viện sớm có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi…

Trường hợp trẻ bị bệnh cảnh truỵ tim mạch, phù phổi cấp, nguy cơ tử vong sẽ rất cao.

“Ngay những trường hợp được nhập viện điều trị, bác sĩ cũng phải theo dõi rất sát các diễn biến của trẻ. Ban đầu khi nhập viện, trẻ có thể chỉ sốt, đau họng, tức bệnh ở độ 1, nhưng sau đó có thể xuất hiện run rẩy kèm các dấu hiệu thần kinh, sốt cao, mạch nhanh… lúc đó bệnh đã chuyển độ nặng hơn”, TS Lâm chia sẻ.

Để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tay chân miệng, TS Lâm khuyến cáo cha mẹ cần chú ý đến con, quan sát kĩ các thay đổi trên cơ thể.

Cụ thể, nếu thấy con sốt nhẹ hoặc sốt cao. Sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng. Trên da, xuất hiện các tổn thương dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…

Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa truyền nhiễm trẻ em để được điều trị kịp thời và được bác sĩ tư vấn về cách chăm sóc trẻ.

Nếu trẻ sốt cao cần dùng thuốc hạ sốt đúng liều, bổ sung đủ nước bằng dung dịch điện giải, có vết loét miệng cần bổ sung vitamin C, kẽm, dung dịch bôi…

Trong trường hợp gia đình có trẻ mắc tay chân miệng cần đảm bảo, thường xuyên vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt).

Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà. Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác, đồng thời cách ly trẻ tại nhà, không cho trẻ tiếp xúc với trẻ khác hay các nơi tập trung đông trẻ em trong 10-14 ngày đầu của bệnh.

Thúy Hạnh

Sử dụng dung dịch khử trùng Dr.ECA để vệ sinh các vết thương, nốt mụn của trẻ bị tay chân miệng cả trong khoang miệng và ngoài da, phòng và khử trùng vật dụng, môi trường có khả năng lây nhiễm cao.

#dungdịch #khửtrùng #Dr.Eca

Bình luận đã bị đóng.